DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ - GCN: 14/DNKHCN

“Innovation Distinguishes Between a Leader And a Follower”

Steve Jobs

Tin tức

Tháng Mười

17

Rác là một nguồn lợi…

“Rác là một nguồn lợi, hay nói theo quan điểm phát triển bền vững thì đây là nguồn nguyên liệu cần tái chế để phục vụ cuộc sống” – đó là quan điểm của ông Đỗ Đức Thắng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin.

Nhà máy 100% Việt Nam

Hiện nay, một số tỉnh đang được các công ty nước ngoài đặt vấn đề xây dựng một nhà máy xử lý rác thải trị giá 24 triệu USD, thành phẩm bán được đạt khoảng 75%, công suất 200 tấn rác/ngày. Trong khi đó, tỉnh Nghệ An đã đầu tư một nhà máy xử lý rác “made in Vietnam” giá chỉ 36,233 tỉ đồng, công suất 300 tấn rác/ngày, thành phẩm bán được đạt 90 – 95%. Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin (Hà Nội) là đơn vị tự chế tạo thiết bị, xây lắp và vận hành Nhà máy Xử lý rác Đông Vinh – Nghệ An từ A đến Z.

Một số tỉnh như Hà Tây, Thanh Hóa đang theo gương Nghệ An, chuẩn bị xây dựng nhà máy xử lý rác hoàn toàn nội địa. Theo ông Đỗ Đức Thắng: “Đây là nhà máy xử lý rác theo công nghệ Seraphin đầu tiên ở Việt Nam. Ýá nghĩa chủ đạo của Seraphin là một ý tưởng từ tự nhiên mà có, một hành động thực hiện công việc bình thường với tinh thần phi thường. Rác là một nguồn lợi, hay nói theo quan điểm phát triển bền vững thì đây là nguồn nguyên liệu cần tái chế để phục vụ cuộc sống. Các doanh nghiệp đầu tư vào xử lý rác có thể bù đắp được chi phí và có lợi nhuận”.

Toàn bộ thiết bị của nhà máy do các nhà khoa học – doanh nghiệp chế tạo và lắp đặt trên diện tích nhà xưởng 14.000m2 gồm: 1 dây chuyền xử lý rác đã từng được chôn lấp (rác cũ của bãi rác Đông Vinh); 1 dây chuyền xử lý rác tươi được chuyển vào bãi rác hằng ngày; 1 hệ thống dây chuyền sản xuất phân compost; 1 hệ thống dây chuyền sản xuất Seraphin; hệ thống băng tải nội bộ 600m; phòng nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh hóa; một số phương tiện vận tải và thiết bị phục vụ quá trình sản xuất.

Lượng rác thải của thành phố Vinh hiện chỉ khoảng 120 – 150 tấn/ngày, trong khi công suất xử lý của nhà máy đạt 300 tấn/ngày. Nhưng ông Đỗ Đức Thắng tỏ ra lạc quan: “Bãi rác có diện tích trên 3 hec-ta, chiều cao gần chục mét, tức hơn 300.000m3 rác đã chôn lấp. Nhà máy sẽ làm khoảng 3 – 4 năm mới hết lượng rác này. Chúng tôi nghĩ sẽ không thiếu rác, vì khi bãi này hết, đời sống của người dân tốt hơn, lượng rác thải sẽ nhiều. Khi ấy, chúng tôi lại chuyển một phần sang xử lý rác công nghiệp”.

Sản phẩm từ rác

Người dân 2 xã Đông Hưng và Nghi Kim ở cạnh bãi rác đã không còn phản đối việc xây dựng nhà máy xử lý rác Đông Vinh do sợ ô nhiễm như trước nữa vì họ thấy bãi rác ngày một vơi đi, con em họ có trên 200 người được tuyển vào làm công nhân với mức thu nhập bình quân 700.000 đồng/tháng. UBND xã Nghi Kim (Nghi Lộc, Nghệ An) đã xác nhận việc Hội Nông dân xã thử nghiệm sản phẩm mùn hữu cơ của Nhà máy Xử lý rác Đông Vinh trên lạc, ngô, rau và cây ăn quả. Tỷ lệ thu hoạch giữa cây không bón mùn hữu cơ từ rác và có bón mùn hữu cơ như sau: lạc: 20/24 tấn/10 ha; ngô: 2/2,4 tấn/0,5 ha; rau cải: 16/22 tấn/1 ha. Chất lượng nông sản cho thấy cây lạc xanh, củ nhiều và chắc. Cây các loại đều xanh, tốt, không xanh đậm, ít sâu bệnh. Bón mùn hữu cơ tốt hơn phân chuồng gia đình, không cần cho thêm đạm và ka-li.

Ngoài tiền bán phân là tiền bán sản phẩm Seraphin. Mỗi loại sản phẩm Seraphin đều được thẩm định riêng. Ví dụ, Hội đồng khoa học Bộ Xây dựng thẩm định công nghệ Seraphin nói chung, cho rằng công nghệ này là định hướng đúng đắn cho công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị. Mặt khác, có thể kết hợp với các nơi khác về tái chế phế thải nilon và các chất thải nhựa pet để hoàn thiện thêm công nghệ. Trung tâm Kỹ thuật 1 của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã thử nghiệm các sản phẩm như bát đựng mủ cao su, ống thoát nước, tấm cốp-pha về các tính năng công dụng cũng như mức độ phù hợp vệ sinh môi trường. Các sản phẩm này có độ bền cao, đáp ứng được nhu cầu sử dụng, xây dựng hệ thống thoát nước đô thị, tưới tiêu trong nông nghiệp, trong giao thông, giá cả lại thấp do nguyên liệu đầu vào là rác nên có thị trường tiêu thụ lớn. Khoảng 10% rác không tái chế được vì là sạn, sỏi, xà bần, tro xỉ thì có thể sử dụng san lấp nền, đường tạm nông thôn…

Kiều Hương

Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Trở về trang trước