Tháng Chín
20
Ông Đỗ Đức Thắng “Người 3 trong 1”
Khi còn là một giảng viên Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, ông Đỗ Đức Thắng đã từng trao đổi với chúng tôi về chuyện “3 trong 1”, đó là 3 chức năng trong một người thầy : nhà giáo, nhà khoa học, nhà doanh nhân. Còn bây giờ, cái nội hàm “3 trong 1 “ của cá nhân ông đã thay đổi : ông đã rời bục giảng, để trở thành Giám đốc của 3 công ty : TADITS, BUB-BLEDECK VN và SERAPHIN. Vậy là đến hôm nay, tôi đã nhận đến cái các – vi – dit thứ tư của ông, ghi đủ cả 3 công ty mà ông phụ trách. Tôi hỏi :
- Vậy là ông đã quyết nói lời chia tay vĩnh viễn với các thế hệ sinh viên, với đồng nghiệp trường ĐH xây dựng, Kiến trúc, với những bài giảng về kết cấu, về xây dựng… Lý do nào là chủ yếu ? Có phải vì ông không còn thời gian để hoàn thành luận án tiến sĩ thì ông không muốn đứng trên bục giảng nữa ? Trong ông bây giờ có còn 3 con người : Nhà giáo, nhà nghiên cứu và doanh nhân ?
– Tôi chưa khi nào nghĩ là mình đã chia tay với nghề dạy học, nhất là dạy về công nghệ xây dựng mới. Có khác chăng, tạm thời tôi ít đứng lớp hơn, không phải bắt buộc lên lớp theo đúng lịch trình, nhưng vẫn giảng chuyên đề và thường xuyên có báo cáo khoa học tại các hội thảo ở cả Đại học Xây dựng và Đại học Kiến trúc.
Chuyện chưa thể bảo vệ học vị tiến sĩ là nỗi buồn của tôi, tuy nhiên tôi sẽ còn quay trở lại việc này nếu đến trước khi tròn 60 tuổi ( tuổi về hưu ) có thể thu xếp được thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho luận án của mình.
Đơn giản tôi tạm thời ít tham gia giảng dạy vì hiện nay tôi đang chủ trì phát triển một số công nghệ xây dựng mới, nên cần tập trung cao độ để đưa thành công các công nghệ này vào thực tiễn xây dựng của Việt Nam.
Công nghệ thứ nhất là : Bubbledeck – công nghệ sàn rỗng ( nhờ các quả bóng nhựa tái chế đặt ngầm trong sàn ) chịu lực hai phương, bán lắp ghép, bán toàn khối, rất thích hợp cho xây dựng kết cấu sàn nhà các loại. Công nghệ này ra đời ở Đan Mạch từ năm 1993, đến nay đã có trên 20 nước ứng dụng công nghệ này, nhưng tại Châu Á, Việt Nam là Quốc gia đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ này.
Công nghệ thứ hai là : Top – Base, một giải pháp gia cố nền đất yếu bằng các vật thể hình phễu, nhờ đó làm cho sức chịu tải của nền móng tăng lên 3-4 lần, độ lún giảm chỉ còn 1/5 – 1/6. Do đó ngay trên các nền đất yếu như ở Hải Phòng, Thái Bình hoặc miền Tây Nam Bộ có thể xây nhà đến 6 – 8 tầng mà không phải dùng cọc nữa. Các vật thể hình phễu này có phần quan trọng nhất được chế tạo từ nhựa phế liệu thu hồi được trong rác vốn rất sẵn ở khắp nơi. Nên tính ưu việt và khả thi của nó càng mạnh mẽ hơn. Ngay trong tháng 7/2008 chúng tôi sẽ triển khai dự án đầu tiên tại Hà Nội và mở rộng nhanh ra các địa phương khác do tính hấp dẫn của nó.
Cũng phải nói thêm một công nghệ mới nữa không hẳn là về xây dựng, song liên quan chặt chẽ đến xây dựng. Đó là chúng tôi đang hoàn thiện công nghệ SERAPHIN trong xử lý tái chế rác thải sinh hoạt, xóa bỏ chôn lấp rác. Từ tháng 3/2007, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Hội đồng khoa học liên Bộ do Bộ Xây dựng chủ trì đã khảo nghiệm nhiều lần về hiệu quả xử lý triệt để rác thải của Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây và đã cấp Giấy chứng nhận công nghệ phù hợp cho công nghệ SERAPHIN. Sắp tới Chính Phủ sẽ phê duyệt đề án đầu tư trên khắp các tỉnh thành ViệtNam. Mỗi địa phương sẽ có 1 nhà máy xử lý rác theo hướng công nghệ này. Nếu điều này trở thành hiện thực, ViệtNamsẽ là Quốc gia tiên tiến về xử lý tái chế rác thải. Công nghệ này có thể xuất khẩu ra một số Quốc gia khác trong khu vực.
May mắn cho tôi, khi tôi tham gia phát triển công nghệ xử lý rác, chỉ vì cái công thức “Nhà máy rác = Nhà + Thiết bị xử lý rác”, tôi được phân công lo phần thiết kế và xây dựng nhà máy, nay nhờ nhà máy rác mà chúng tôi có nguồn nguyên liệu nhựa tái chế hết sức dồi dào để làm bóng nhựa (cho sàn rỗng Bubbledeck) và phễu nhựa (cho công nghệ móng Top-base). Phải chăng câu “Có phúc sẽ có phận” của các cụ nhà ta đã chiêm nghiệm đúng cho trường hợp này! (cười to).
Lúc này đây, 3 trong 1 lại còn chảy mạnh hơn trước để phát triển đưa công nghệ mới vào đời sống. Tôi không những dạy sinh viên mà phải dạy, phải giảng lý thuyết và thực hành cho cả kỹ sư, công nhân và cả cán bộ quản lý nữa, khó hơn trước nhiều. Công nghệ mới đã thành công ở nước ngoài như Bubbledeck hoặc Top-base, vào Việt Nam vẫn còn phải điều chỉnh rất nhiều cho phù hợp với điều kiện ViệtNam. Do đó, việc nghiên cứu là bắt buộc, rất thú vị là có những cải tiến do chúng tôi đề xuất đã được tác giả sáng chế thừa nhận và thông báo để các quốc gia khác trong nhóm áp dụng, ví dụ quả bóng nhựa của Việt Nam sản xuất từ rác sắp lên đường xuất ngoại, vì đã được cải tiến thuận tiện và rẻ hơn, tốt hơn sản phẩm của chính tác giả sáng chế ban đầu.
Chúng tôi kinh doanh nên cũng là doanh nhân, song có lẽ là doanh nhân hơi đặc biệt do không bị cạnh tranh dữ dội lắm như các doanh nghiệp khác, vì công nghệ của chúng tôi luôn đi trước và được bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ nên cách thức kinh doanh của chúng tôi thẳng thắn và rõ ràng, không đòi hỏi phẩm chất quá “uyển chuyển” như ở nơi khác, điều này có thể chúng tôi không làm được đâu! (lại cười).
- Đang là thầy với tất cả sự nghiêm cẩn, đạo mạo cần có, chuyển hẳn sang làm chủ những doanh nghiệp tư nhân trong thời buổi kinh tế thị trường chưa thật rành mạch, cảm giác của ông thế nào, cuộc sống và quan niệm của ông có thay đổi nhiều lắm không?
– Không phải ông thầy nào cũng nghiêm cẩn, đạo mạo cả đâu. Trước đây, khi tôi đi học và đi dạy những năm đầu, kiến thức của thầy thường hơn trò rất nhiều, trò ngưỡng mộ thầy và thầy phải giữ dáng! Bây giờ với internet, có khi trò còn biết trước, biết nhiều hơn cả thầy về kiến thức chuyên ngành, nhưng vai trò người thầy vẫn cần thiết để phân tích, cắt nghĩa và giúp trò lựa chọn các giải pháp, xây dựng kế hoạch thực hiện, chỉnh sửa các sai sót,… theo nghĩa thì tôi vẫn hàng ngày làm thầy nên hầu như chẳng thấy sự thay đổi nào đáng kể. À, có thể là bây giờ nếu vui vẻ có thể đi hát karaoke cùng với nhân viên còn trước đây có lần thưởng sinh viên có đáp án hay, tôi mời cả lớp sinh viên đi uống bia khi về lại bị Trưởng khoa bắt làm kiểm điểm!
Còn làm kinh doanh trên nền tảng công nghệ tiên tiến như đang diễn ra tại các công ty của chúng tôi, phẩm chất doanh nhân thể hiện ở sự nhạy cảm với đòi hỏi của thị trường, của cuộc sống và sự dấn thân, đam mê nên không xung đột với các phẩm chất của nhà giáo, nhà nghiên cứu. Tôi chưa thấy sự thay đổi nào đáng kể ngoài việc trước đây luôn canh cánh lo mải việc quên giờ lên lớp. Có những thời kỳ ở miền Bắc không tìm được Chủ đầu tư nào cho việc triển khai thử nghiệm công nghệ, trong khi ở thành phố Hồ Chí Minh thì nhiều chỗ mời vào làm, nên hàng tuần cứ đến ngày có giờ dạy, tôi lại phải đáp máy bay ra dạy vài tiết xong lại đáp máy bay vào, liên tục hàng mấy tháng. Nay thì mình chủ động hơn cho kế hoạch của mình, chỉ nhận dạy chuyên đề, hoặc tham gia Hội thảo khi mình có thể bố trí được, không để hỏng việc khác.
- Trong 3 lĩnh vực kinh doanh mà ông đang điều hành, lĩnh vực nào khởi phát con đường kinh doanh của ông? Nó có phải là lĩnh vực mà ông dành sự quan tâm nhiều hơn cả? Nó có liên quan gì với 2 lĩnh vực kia không?
– Trong 3 lĩnh vực trên, công nghệ xây dựng là nghề ruột của tôi nên luôn dành nhiều tâm huyết nhất. Tuy nhiên trong 6 năm qua, cảm nhận ý nghĩa xã hội lớn lao của việc hoàn thiện công nghệ xử lý tái chế rác, hạn chế và tiến tới xóa bỏ chôn lấp rác, nên chúng tôi đã dành thời gian và tài lực, trí lực rất nhiều cho nó. Hơn nữa, TADITS hay Bubbledeck dù có phát triển cũng cùng lắm chỉ là một công ty mạnh, có nhiều lợi nhuận, chứ không thể một tập đoàn, không tạo ra tiền đề hoặc thúc đẩy các ngành công nghiệp, ngành nghề khác phát triển như đối với công nghệ SERAPHIN. Dù nhanh hay chậm, SERAPHIN sẽ trở thành một tập đoàn công nghiệp môi trường, gánh vác 1 trong 3 trụ cột phát triển bền vững của mỗi quốc gia, nên tôi chỉ tiếc là năng lực năng lực của mình có hạn không thể làm được nhiều hơn để SERAPHIN sớm được nhân rộng trên toàn quốc mang lại lợi ích cho mọi người, mọi nhà. Và lúc đó, tôi mới có điều kiện thực hiện ước mơ lớn của mình.
- Tôi từng nghe có một người trẻ nói rằng: Với những việc làm mang nhiều ý nghĩa dân sinh của ông, ông xứng đáng là dân biểu. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
– Trở thành đại biểu nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất đối với tôi là một trách nhiệm, chứ không coi là vinh dự. Lúc này, tôi chưa sẵn sàng. Đến khi đã chuẩn bị tốt hành trang cho mình để đảm nhiệm trách nhiệm đó thì cũng cần xem liệu ở đó mình có thể làm được gì không, điều kiện ở đó đã sẵn sàng cho mình đề xuất và giám sát việc thực thi nguyện vọng của cộng đồng nhân dân đã bầu mình vào cơ quan quyền lực ấy hay không rồi mới dám quyết định.
- Trở lại với nghề khởi thủy của ông là nghề thầy, xin được hỏi ông một câu cuối: Ông có ý định trở lại vai trò người thầy? Hay làm một điều gì đó liên quan gần gũi với đào tạo chẳng hạn?
– Ước mơ lớn nhất của tôi là triển khai thành công các công nghệ mới, tạo lập nguồn tài chính mạnh để có thể mở một trường Đại học chuyên đào tạo ra các nhà sáng chế tài năng cho Việt Nam, góp phần làm cho Việt Nam trở thành một cường quốc về phát triển kinh tế tri thức. Vừa qua, chị Nguyễn Thị Trâm ở Đại học Nông nghiệp Hà Nội được trả 10 tỷ cho giống lúa mới mà chị tạo ra. Tôi nghĩ không nên bàn 10 tỷ như vậy là nhiều hay ít mà đáng mừng là ViệtNamđã có tiền lệ về trả giá xứng đáng cho cho sản phẩm trí tuệ. Vấn đề là làm sao nhanh nhất có hàng trăm, hàng ngàn nhà khoa học có sản phẩm sáng tạo như chị Trâm và ở những lĩnh vực, những ngành nghề đất nước đang cần, nhân dân đang cần. Tôi muốn mình sẽ đóng góp cho sự nghiệp đó! Tại sao không?
Trân trọng cảm ơn ông, một con người luôn luôn “3 trong 1”.
(Báo Giáo dục và Thời đại chủ nhật năm 2008)
Trở về trang trước