DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ - GCN: 14/DNKHCN

“Innovation Distinguishes Between a Leader And a Follower”

Steve Jobs

Hội thảo, quảng bá, truyền thông

Tháng Mười

18

Sử dụng Công nghệ gia cố nền móng Top-base và Công nghệ sàn rỗng: Nhiều chi phí lớn giảm tới 50%

Mới đây, TCty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – TNHH MTV (Becamex IDC) vừa tung ra thị trường dự án Nhà ở an sinh xã hội Becamex với giá siêu rẻ, trung bình mỗi mét vuông chỉ tương đương khoảng hơn 4 triệu đồng, bằng 1/3 mức giá bán tại thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, dư luận và đặc biệt là cả những chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cũng hoài nghi mức giá này sẽ khó đem lại lợi nhuận cho chủ đầu tư vì chỉ tính riêng chi phí xây dựng, giá thành đã xấp xỉ mức giá đó. Phóng viên BĐS&VLXD đã trao đổi với ông Đỗ Đức Thắng – Chủ tịch HĐQT Cty CP Kết cấu không gian Tadits – đơn vị thiết kế xây dựng dự án này.

 Xin ông cho biết ý tưởng nào khiến ông nhập khẩu công nghệ gia cố nền móng top-base và công nghệ sàn rỗng về Việt Nam?

– Thực sự là sau gần 20 năm làm nghề xây dựng, bên cạnh công tác giảng dạy ở ĐH Xây dựng, chúng tôi tham gia nhiều công trình thực tế, bắt đầu từ chỗ đi làm thuê, làm thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài, rồi phát triển lên trở thành đơn vị tư vấn thiết kế và chuyển giao công nghệ có kinh nghiệm, chúng tôi luôn cảm thấy không hài lòng với các phương pháp xây dựng có phần lạc hậu đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, mà điều đáng buồn là hầu hết các nhà thầu, và cả các nhà tư vấn thiết kế, nhà quản lý lại coi các công nghệ đó như một sự hiển nhiên không thể thay đổi?

Sử dụng Công nghệ gia cố nền móng Top-base và Công nghệ sàn rỗng C-DECK

Công nghệ gia cố nền đất yếu Top-base đang được áp dụng rộng rãi tại Việt nam (Ảnh: Chung cư cao tầng Cẩm Bình- Cẩm Phả – Quảng Ninh)

Chúng tôi nghĩ nước mình nghèo, nhu cầu xây dựng còn rất lớn, vì vậy nếu nghiên cứu được một giải pháp mới nào dù chỉ cần giảm được một kilôgam thép, vài kilôgam xi măng cho mỗi mét vuông sàn hoặc mái nhà thì hàng năm đã mang lại nhiều ngàn tỷ cho đất nước. Động cơ này đã thúc đẩy chúng tôi từ chỗ thụ động tiếp thu các công nghệ mà các nhà đầu tư nước ngoài mang đến Việt Nam dần đi tới chủ động tham gia các Hội chợ Triển lãm quốc tế về công nghệ xây dựng ở Nhật, Hàn Quốc, châu Âu… để tìm kiếm các công nghệ mới và mang về Việt Nam, thực tiễn đang chứng minh cách làm đó khá hiệu quả.

Việc đưa các sản phẩm công nghệ cao này đến với các chủ đầu tư có gặp khó khăn gì không? Theo đánh giá của ông mức độ chấp nhận của thị trường đối với 2 sản phẩm này như thế nào?

– Con đường đưa công nghệ mới vào thực tế luôn rất khó khăn. Đối với công trình xây dựng thường có giá trị rất lớn, lại đòi hỏi độ an toàn cao vì chứa đựng trong nó hàng trăm, hàng ngàn sinh mệnh và tài sản, nên luôn phải thiết kế, thi công tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn do Nhà nước ban hành. Các công nghệ mới thường chưa có tiêu chuẩn, do đó chúng tôi phải bắt đầu từ khâu nghiên cứu thực nghiệm và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho các công nghệ mới. Việc này rất tốn kém chi phí và thời gian, không phải DN nào cũng theo đuổi đến cùng được. TADITS may mắn là đã có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này, lại phần nào được sự tin tưởng ủng hộ của các thầy giáo, các nhà khoa học đồng nghiệp và các nhà quản lý ở Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng… nên ít khó khăn hơn.

Có thể nói rằng điều quan trọng nhất để công nghệ mới thu hút được sự chấp nhận của thị trường là bản thân công nghệ phải có sự hấp dẫn cao. Muốn vậy công nghệ mới phải hội đủ các tính năng ưu việt, phải sử dụng tốt, phải thân thiện môi trường, dễ thi công và rút ngắn thời gian thi công… lại phải rẻ nữa. Và phải được chứng minh trong thực tế Việt Nam. Vất vả nhất đối với chúng tôi là thuyết phục các chủ đầu tư đầu tiên cho áp dụng công nghệ mới. Nói đến sản phẩm tốt, nhanh, rẻ thì ai cũng ham, nhưng ít người sẵn lòng làm “con chuột bạch thí nghiệm” lắm. Tuy vậy chúng tôi cũng đã may mắn gặp được những chủ đầu tư thông minh và dũng cảm, các anh ấy nhận thức đầy đủ các mặt lợi hại của thử nghiệm công nghệ mới, nhưng chấp nhận cho chúng tôi triển khai thử nghiệm công nghệ mới trên công trình của mình, qua đó mà công nghệ được hoàn thiện và phát triển. Nhân đây tôi xin cám ơn anh Hải – Chủ tịch Tập đoàn Alpha Nam, anh Đào Toàn – Chủ tịch Cty PG Hải Phòng là những người đồng hành cùng chúng tôi trong thời gian qua.

Sử dụng Công nghệ gia cố nền móng Top-base và Công nghệ sàn rỗng: Nhiều chi phí lớn giảm tới 50%

Ông có thể giới thiệu đôi nét về dự án nhà thu nhập thấp Bình Dương sử dụng công nghệ của Tadits đang được dư luận rất quan tâm hiện nay?

– Đề án Nhà ở an sinh xã hội của TCty Becamex IDC là một dự án rất lớn và có tính nhân văn cao. Anh Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Becamex IDC nói với tôi là tại các KCN ở Bình Dương hiện có tới 800 nghìn lao động nhập cư đang làm việc tạo ra sản phẩm và làm giàu cho tỉnh, cho Becamex, nhưng nhà ở thì rất tự phát, tạm bợ. Becamex IDC đã nhận thức rõ trách nhiệm xã hội của mình trong việc phải tạo ra quỹ nhà ở an sinh xã hội, cũng chính là để bảo đảm ổn định nguồn lao động cho DN phát triển. Becamex IDC đã triển khai các công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật như san nền, làm đường sá, cấp thoát nước… rất tốt cho các khu dân cư Hòa Lợi, Mỹ Phước, Việt Sin của dự án, thậm chí cả các công trình phụ trợ như chợ, trường học, nơi vui chơi giải trí cho các khu dân cư này cũng đã được đầu tư trước.

Becamex IDC rất cẩn trọng đầu tư chiều sâu để tìm kiếm được giải pháp thiết kế kiến trúc hợp lý cho nhà ở công nhân chỉ có 30m2 nhưng khá tiện nghi, dễ chuyển đổi trong tương lai. Bước tiếp theo Becamex IDC đã thảo luận với chúng tôi suốt nhiều tháng để đi đến thống nhất phương án sử dụng tới 5 công nghệ xây dựng mới nhằm công nghiệp hóa quá trình xây dựng để vừa đáp ứng nhu cầu xây dựng với thời gian nhanh nhất 60 nghìn căn hộ tiêu chuẩn và với giá thành như đã công bố là 130 triệu đ/căn hộ 30m2.

Các công nghệ xây dựng mới được áp dụng tại dự án này là gia cố nền bằng top base, hệ khung thép nhẹ kiểu so le, hệ sàn nhẹ bubbledeck, hệ tường bê tông nhẹ lắp ghép không dùng vữa xây, nhưng lại được đúc toàn khối hóa cho các vị trí chịu tải lớn hoặc nơi có nhu cầu an ninh cao, hệ mái bằng chống nóng, chống thấm bằng bê tông bọt đúc toàn khối tại chỗ…

Bài toán tiết kiệm chi phí xây dựng được Tadits giải riêng cho dự án nhà thu nhập thấp Bình Dương như thế nào, thưa ông?

– Tính toán cụ thể việc kết hợp 5 công nghệ này sẽ tiết kiệm được 50% chi phí gia cố nền móng, trong khi chi phí này chiếm khoảng 10 – 15% chi phí xây dựng 1 tòa nhà.

Đặc biệt, việc sử dụng sàn nhẹ, tường nhẹ, nên giảm được 50% chi phí thép. Ví dụ, như nhà 30 tầng nếu làm theo lối cũ sẽ tốn khoảng 100kg thép/m2, nhưng nếu thiết kế lại, áp dụng công nghệ mới thì chỉ mất 50kg thép/m2.

Ngoài ra là tốc độ thi công cũng nhanh hơn và thời gian thi công giảm xuống rõ rệt, nếu theo cách thi công thông thường sẽ mất khoảng 15 ngày cho một tầng nhà thì khi áp dụng công nghệ sẽ chỉ mất khoảng 7 – 8 ngày/ tầng.

Như vậy, sẽ giảm được nửa thời gian thi công và chi phí sẽ tiếp tục giảm đi rất nhiều. Hệ thống tường được thực hiện không cần xây, không cần chát nên giảm vôi, giảm vữa và công sức rất nhiều.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vân Anh- Báo Xây Dựng điện tử (thực hiện)

 

Trở về trang trước