Tháng Một
16
Công trình Văn hóa – Hữu nghị Việt Nam – Campuchia
Trường đại học xây dựng tự hào được ứng dụng công nghệ UHPC cho dự án cổng chào biên giới Việt Nam – Campuchia cao 25m, rộng 40m, là biểu tượng của tinh thần hữu nghị giữa hai nước anh em.
Dự án Quốc môn và một số hạng mục hạ tầng là một trong những dự án quan trọng ưu tiên đầu tư tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (sau khi Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam – Camphuchia khánh thành cột mốc 30 vào năm 2015), đây là dự án hết sức quan trọng phục vụ hoạt động về ngoại giao, phương tiện qua lại tại khu vực cửa khẩu.
Quy mô đầu tư dự án gồm các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và Quốc môn, trong đó, đường giao thông có tổng chiều dài tuyến được mở rộng hơn 420m, bề rộng nền đường là 39m, bề rộng mặt đường là 30,5m…
Điểm đặc biệt và được xem là biểu trưng tại khu vực cửa khẩu là công trình Quốc môn, công trình được thiết kế cách điệu theo biểu tượng nhà rông Tây Nguyên. Tổng thể công trình Quốc môn có chiều dài 46m; chiều rộng 18m; chiều cao 33m (tương đương tòa nhà 10 tầng). Móng cọc, kết cấu khung, sàn mái được thi công hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, riêng dầm ngang cổng là kết cấu dàn thép ốp tấm bê tông cốt sợi thủy tinh (dàn thép có chiều dài 31,5m; chiều rộng 4,27m; chiều cao 2,7 – 4,1m), toàn bộ dầm ngang và các trụ cổng được hoàn thiện sơn giả đá. Bố trí tảng đá tự nhiên khắc chữ, cột cờ xung quanh khu vực Quốc môn. Hệ thống cầu thang bộ, thang máy, hệ thống điện, chống sét được đầu tư hoàn chỉnh.
Tổng thể dự án chính thức được khởi công xây dựng năm 2016. Trong quá trình thi công, trực tiếp Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã xem xét và nhận ra cần sự thay đổi lớn về diện mạo công trình mang ý nghĩa to lớn của khu vực Tây Nguyên, qua đó Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã chỉ đạo điều chỉnh một số chi tiết của Quốc môn, trong đó có phần hình dáng cổng nên thiết kế từ trụ thẳng được điều chỉnh theo dáng nhà rông- nét đặc thù kiến trúc nhà rông Tây Nguyên.
Để đáp ứng yêu cầu thay đổi diện mạo tôn lên vẻ đẹp của công trình cửa ngõ Tổ quốc, công trình Quốc môn được điều chỉnh 3 lần, lần điều chỉnh đầu tiên là tháng 12/2016 khi dầm ngang được vuốt cong cách điệu của mái nhà rông; thay đổi biểu tượng tại vị trí đặt Quốc huy từ hình dáng hoa sen bằng biểu tượng dân tộc Tây Nguyên; đồng thời, bổ sung thang máy và thang bộ ở 2 bên trụ cổng để phục vụ những du khách có mong muốn được lên đỉnh Quốc môn quan sát hết khu vực cửa khẩu từ trên cao (theo thiết kế ban đầu Quốc môn được thiết kế hệ khung bê tông cốt thép, bên ngoài xây tường để tạo hình khối).
Với sự thay đổi lớn đòi hỏi cần có sự can thiệp, tính toán chi tiết về kết cấu, tính vững trãi của công trình mang tầm Quốc gia, đáp ứng yêu cầu trên, nhiều đơn vị thiết kế, xây dựng, tư vấn, giám sát có uy tín trong cả nước như Trung tâm nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghệ (thuộc Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh), Viện Địa kỹ thuật – công trình (thuộc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) được mời tham gia và đưa ra các kết quả chính xác nhất.
Đến tháng 9 năm 2018, sau khi thống nhất các phương án thi công, công trình Quốc môn tiếp tục được triển khai thi công… Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, song bằng quyết tâm và sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan, công trình Quốc môn cùng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật hoàn thành đáp ứng được mục tiêu của dự án đặt ra
Từ việc thay đổi kết cấu, đòi hỏi sự tính toán từ chi tiết đến tổng thể để công trình an toàn, bền vững và hài hòa. Riêng phần cong của trụ chính, đơn vị thi công đổ bê tông từng mét một với sự hỗ trợ của toàn bộ thiết bị được vận chuyển từ Hà Nội vào Gia Lai.
Bên cạnh việc thi công, thì phía chủ đầu tư là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai, đơn vị thực hiện dự án là Công ty phát triển hạ tầng khu kinh tế tỉnh Gia Lai thường xuyên phối hợp theo dõi góp phần đảm bảo cho toàn bộ các hạng mục công trình từ thời điểm thi công đến lúc hoàn thành.
Ông Phạm Văn Binh-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai, Trưởng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh – Đức Cơ, vui mừng cho biết: Hạng mục Quốc môn được thiết kế kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống có yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật. Với vị trí nằm gần cột mốc 30, cửa ngõ Tổ quốc được thiết kế với ý tưởng cách điệu “Nhà rông Tây nguyên” – nguồn cảm hứng vô bờ bến trong sử thi, thi ca của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là một biểu tượng trong kiến trúc truyền thống cả về hình thức và kỹ thuật lắp dựng. Có sự kết hợp hài hòa giữa ý tưởng thiết kế và vật liệu hiện đại,công trình sử dụng vật liệu bê tông cốt thép, hệ dầm ngang bằng thép, tấm ốp bê tông sợi thủy tinh, sơn giả đá có độ bền cao, bố trí thang bộ, thang máy phục vụ tham quan. Công trình sẽ là một biểu tượng, là điểm tham quan lý tưởng cho du khách, đón chào bạn bè Quốc tế khi đến với vùng biên giới Đức Cơ- Gia Lai.
Để phát huy các giá trị công trình Quốc môn tại khu vực cửa khẩu, đơn vị đã cho lắp đặt thêm hệ thống đèn chiếu sáng để công trình nổi bật về đêm tại khu vực biên giới khi về đêm và sẽ là điểm nhấn trong thu hút khách du lịch tại địa phương.
Trở về trang trước